Phòng chống bệnh Bạch hầu
Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 31 Tháng 10 2017 03:30 Viết bởi Ban Biên Tập Thứ hai, 30 Tháng 10 2017 15:25
Hiện nay tình hình dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở một số huyện miền núi của tỉnh. Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Nam, ngày 03 tháng 10 năm 2017 đã có một học sinh tử vong do nhiễm bệnh (em Hồ Bảo Phúc, 06 tuổi, quê ở NamTrà My). Để hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu là gì, ai dễ mắc và cách phòng bệnh như thế nào, Phòng Y tế Trường THPT Núi Thành cung cấp một số thông tin về bệnh bạch hầu để quý thầy cô giáo, các em học sinh hiểu thêm về bệnh này, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
1. Bạch hầu là gì?
Là một bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, mũi, thanh quản, ở da và các vùng niêm mạc khác…
Bệnh bạch hầu xảy ra ở mọi lứa tuổi và sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm chủng. Bệnh thường gặp vào mùa lạnh.
2. Đường lây
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền cao từ người mắc bệnh sang người khác thông qua đường hô hấp (hắt hơi, ho) và tiếp xúc trực tiếp. Bệnh có thể gây nhiễm trùng mũi, họng dẫn tới tử vong.
3. Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Bệnh nhân bạch hầu có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Triệu chứng của bệnh nặng không sốt cao nhưng có thể sưng cổ khiến thở khó khăn.
4. Các biến chứng thường gặp của bệnh bạch hầu
Viêm cơ tim do nhiễm độc là biến chứng thường gặp của bệnh bạch hầu và thường xảy ra vào ngày thứ hai đến ngày thứ bảy sau khi mắc bệnh.
Biến chứng thần kinh
Bao gồm liệt cục bộ các dây thần kinh sọ (số 4, số 10), xuất hiện sớm nhất vào ngày thứ 5, có thể kèm nhìn mờ, khó nuốt... Bệnh nhân có thể xuất hiện suy tim và trụy mạch do thoái hóa các trung tâm vận mạch và liệt lớp cơ động mạch vào tuần lễ thứ hai hoặc thứ ba sau phát bệnh.
Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên
Đây là biến chứng muộn có khi xảy ra 12 tuần sau khi bị bệnh. Bệnh nhân có thể bị liệt hoặc bị tổn thương dây thần kinh hoành.
5. Cách phòng bệnh bạch hầu
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, DTaP đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Trên đây là những điều cần biết về bệnh bạch hầu. Hy vọng những thông tin trên sẽ đem lại những kiến thức bổ ích và thiết thực giúp quý thầy cô và các em hiểu biết và có cách phòng tránh bệnh này.
Trần Thị Ngọc Viên - Nhân viên Y tế Trường THPT Núi Thành
- 19/02/2022 15:39 - Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 …
- 17/05/2021 16:18 - HƯỚNG DẪN KHAI BÁO Y TẾ, SỬ DỤNG BẢN ĐỒ CHỐNG DỊCH…
- 17/05/2021 11:03 - THÔNG ĐIỆP CỦA BỘ Y TẾ
- 07/02/2020 15:55 - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP …