Những vấn đề học sinh chúng ta cần quan tâm

Lời Ban Biên tập

 

Ngày 19/10/2017, Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường THPT Núi Thành lần thứ 40 (nhiệm kỳ 2017-2018) đã thành công tốt đẹp. Bên cạnh 15 ý kiến các đại biểu chính thức đóng góp, còn có các tham luận của đại diện các chi đoàn học sinh trình bày tại Đại hội với những nội dung có tác dụng thiết thực cho việc thực hiện nội quy nhà trường, rèn luyện đạo đức, phát huy tinh thần học tập tích cực của học sinh.

Trong chuyên mục TIẾNG NÓI HỌC SINH lần này, Ban Biên tập trang thông tin điện tử Trường THPT Núi Thành xin trích đăng, giới thiệu với bạn đọc 2 bài tham luận của bạn Nguyễn Lê Nhật Nam (Chi đoàn 12/2) và Trương Thiện Tiên (Chi đoàn 11/2) để bạn đọc tham khảo.

 

HỌC TẬP, RÈN LUYỆN VÌ NGÀY MAI LẬP NGHIỆP

 IMG 1546 copy

Như chúng ta đã biết, thanh niên là lực lượng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lớp người, là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước. Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải luôn trau dồi kiến thức đồng thời với việc rèn luyện đạo đức, nhân cách, sức khỏe để lập thân, lập nghiệp góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay - thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa - thời kì mà tri thức đang chiếm lĩnh tất cả. Tri thức là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công. Chính vì vậy, có tri thức là điều rất quan trọng đối với mỗi thanh niên và học sinh. Để chiếm lĩnh được nó chúng ta phải luôn trau dồi kiến thức đồng thời xây dựng cho mình một phương pháp học tập hiệu quả. Chắc chắn rằng trong mỗi đoàn viên thanh niên chúng ta đều có một cách học riêng cho mình để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của bản thân.

Điều quan trọng nhất trong việc học, hay làm bất cứ một việc gì chúng ta cần xác định rõ mục tiêu cho bản thân. Học để hiểu biết, học để làm người, học để làm việc và chung sống. Mục tiêu là yếu tố đầu tiên quyết định nên sự thành công của chúng ta. Nếu như ta không xác định được mục tiêu học để làm gì thì mãi mãi việc học đối với bạn như là một cực hình bởi bạn không thể đi đến đích không biết cái đích đó ở đâu. Xác định rõ mục tiêu sẽ giúp mình có động lực hơn trong học tập.

Khi đã xác định rõ mục tiêu thì chúng ta cần phải có sự tư tin vào bản thân mình. Nếu như bạn nghĩ rằng sức học của mình kém thì bạn sẽ không bao giờ khá lên được. Nhưng một khi tin rằng bạn có thể học tốt hơn và muốn chinh phục được nó thì bạn sẽ tìm cách vươn lên, nỗ lực hết mình để có thể chiếm lĩnh được nó. Chính vì vậy, thực tế trong thời gian qua cho thấy, học sinh Trường THPT Núi Thành nói chung, lớp 12/2 nói riêng đều ý thức được mục tiêu, tầm quan trọng của việc học, ý thức trách nhiệm của mình trong việc học nên đã đạt nhiều kết quả tốt, được nhà trường, thầy cô ghi nhận. Đặc biệt, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã biết vượt khó vươn lên học tập tiến bộ. Những con người đó thật đáng tuyên dương và khen ngợi. Các bạn đó chính là những tấm gương sáng về học tập cho chúng ta noi theo.

Mục tiêu với niềm tin thôi thì chưa đủ. Khi làm một việc gì cũng cần có đam mê. Trong học tập chúng ta cũng có sự đam mê yêu thích các môn học thì khi đó việc học đối với chúng ta sẽ không còn nhàm chán nữa. Những môn trong khối thi của mình thì ta cần phải nắm thật chắc kiến thức, luyện tập thật nhiều. Những môn không thuộc khối thi thì các các bạn cũng đừng nên xem thường, hãy phải dành thời gian cho nó vì mỗi môn học đều có những đặc thù riêng để hình thành và giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn cho tương lai sau này.

Để nắm chắc được kiến thực học thì ở trên lớp ta cần phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, ghi chép bài đây đủ. Chúng ta cần lắng nghe cách chứng minh, phân tích của các thầy cô những vấn đề cốt yếu và trọng tâm của bài  học sẽ giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề, ghi nhớ bài học một cách tốt hơn. Cùng nhau học tập theo nhóm, trao đổi bài với nhau bởi vì “học thầy không tày học bạn” sẽ giúp ta bổ sung kiến thức cho nhau đồng thời rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm.

Bên cạnh việc học tập, rèn luyện đạo đức mỗi chúng ta vẫn phải rèn luyện sức khỏe để đảm bảo cho cơ thể khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực, tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa là những phương pháp rèn luyện rất hữu hiệu giúp ta lấy lại thăng bằng sau những giờ học căng thẳng, có cảm giác thoải mái tươi mới hơn do đó học tập đạt hiệu quả cao hơn.

Để có được thành công trong sự nghiệp, con người cần chuẩn bị cho mình một hành trang tri thức đầy đủ, đạo đức, phẩm chất, sức khỏe, tinh thần tốt và quan trọng hơn là luôn luôn có ý thức rèn luyện học tập, tu dưỡng đạo đức để ngày mai lập thân, lập nghiệp./.

                                                                  Nguyễn Lê Nhật Nam - Chi đoàn 12/2

 

Vấn đề “Nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức và thực hiện nội quy nhà trường của đoàn viên thanh niên’’.

 Một con người được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là tri thức và đạo đức. Nếu tri thức là con thuyền thì đạo đức là bánh lái, nếu tri thức là chiến mã, thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ hướng thiện bởi đạo đức là cội nguồn, là gốc rễ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, cây phải có gốc, không gốc thì cây héo, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng là người vô dụng.

Cùng với sự trưởng thành của mỗi cá nhân, nền tảng đạo đức được hình thành, phát triển từ sớm và có khuynh hướng trở thành bản chất cố định, khó thay đổi. Vì vậy việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng.

Chúng ta đang sống trong thời đại mới - thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Nhưng song hành với nó, giới trẻ ngày nay chạy theo lối sống hưởng thụ, mà họ cho là hợp thời, là sành điệu; họ bỏ qua những giá trị đạo đức truyền thống đã trở thành nền tảng cốt yếu của con người. Vấn đề này đặt ra thách thức lớn cho các nhà giáo dục cũng như những người có trách nhiệm.

Là những đoàn viên ưu tú, nhìn chung các bạn học sinh của Trường THPT Núi Thành đã có ý thức trong việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, có những cách ứng xử thông minh, đúng mực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của nhà trường và xã hội. Là số đông, tuy nhiên đó lại chưa phải là tất cả. Vẫn còn tồn tại đâu đó những biểu hiện chưa đẹp, chưa tốt của một số học sinh.

Thứ nhất là vấn đề Văn hóa ứng xử trong nhà trường.

 Như chúng ta đã biết, mối quan hệ trường học, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở của sự lắng nghe và tôn trọng. Nhưng nhìn cảnh một  số các bạn học sinh đi ngang qua các thầy cô giáo, các cán bộ công nhân viên chức trong nhà trường mà không chào, giả vờ ngó lơ rồi nhìn đi chỗ khác khiến ai cũng phải tự hỏi: Tinh thần “Tôn sư trọng đạo’’ của những học sinh đó đang ở đâu? Đa số các hành vi trên xuất phát từ suy nghĩ: Không phải thầy cô của mình thì không cần chào. Hãy bác bỏ ngay quan niệm sai lầm đó trước khi nó bén rễ vào sâu trong tiềm thức của mỗi học sinh. Bên cạnh đó còn có hiện tượng một số học sinh lại cho rằng các thầy cô chưa tâm lý, công bằng trong cách ứng xử, từ đó nảy sinh ra những định kiến sai lệch, đi xa hơn là những phát ngôn bồng bột, thiếu suy nghĩ. Mỗi quyết định của thầy cô đều có lí do và có sự cân nhắc kĩ lưỡng xuất phát từ tâm huyết của nhà giáo và sự quan tâm, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với học trò của mình. Là một người học sinh, hãy luôn tôn trọng các thầy cô giáo và cư xử sao cho đúng mực. Ngoài ra, bạo lực là điều mà pháp luật cấm. Chẳng có một qui định nào cho phép bạn đối xử bạo lực với bạn của mình để giải quyết những xích mích bất đồng rất khó tránh khỏi. Nhưng các bạn hãy nhớ không có chuyện gì không thể giải quyết bằng lời nói, không có chuyện gì đáng để chúng ta bất hòa và cũng không khi nào, chẳng ở đâu bạo lực được phép tồn tại cả.

Hãy để cho những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường là quãng thời gian tươi đẹp nhất của tuổi học trò. Đừng để những giây phút bồng bột khiến mình phải ân hận, luyến tiếc.

Thứ hai là vấn đề thể hiện bản thân.

 Những học sinh dưới mái trường THPT Núi Thành đều là những hạt nhân xuất sắc hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài năng, thành tích học tập…Vì vậy tâm lí muốn thể hiện mình là điều hoàn toàn có thể hiểu được.Thực tế cho thấy, hiện nay một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai để tự khẳng định mình là người của thời đại mới. Từ cái kiểu ăn mặc lập dị, một số bạn nam thì quần bò kiểu cách rách nát, một số bạn nữ thì mặc áo không cổ, khoét nách. Rồi vẫn còn đó những mẫu tóc kiểu cách, sành điệu hay những cái đầu màu mè xanh đỏ tím vàng thật khó chấp nhận khi vẫn đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.  Đâu mất rồi cái thơ ngây hồn nhiên của tuổi niên thiếu! Đâu mất rồi cái cung cách lịch sự, tế nhị, thanh lịch của tuổi học trò!  Chúng ta phải công nhận vẻ ngoài của một con người khá là quan trọng. Nhưng tôi nghĩ các bạn vẫn không quên những ý nghĩa cao đẹp trong bộ quần áo đồng phục xóa đi khoảng cách giàu nghèo, sang hèn, tạo sự tự tin cho những người bạn có hoàn cảnh khó khăn, tạo sự hòa đồng cho tất cả mọi người. Có thể gia đình bạn giàu có, được sống trong nhung lụa còn gia đình tôi thì không. Có thể cuộc sống của tôi và bạn hoàn toàn cách biệt nhau nhưng khi bước chân vào trường học thì chúng ta hoàn toàn bình đẳng. Chẳng có một qui định nào cho phép bạn nghĩ rằng bạn của mình không đáng được tôn trọng chỉ vì cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Không biết bạn nghĩ sao chứ riêng tôi, tôi sẽ vô cùng tự hào khi khoác trên người bộ đồng phục mang tên ngôi trường thân yêu của mình.

Thứ ba là vấn đề văn hóa phát ngôn trên mạng xã hội.

            Chưa bao giờ sự kết nối giữa mọi người với nhau lại trở nên dễ dàng hơn thế nhờ có mạng xã hội. Nhưng cũng chính cái thế giới ảo không luật lệ, không ràng buộc pháp lý ấy lại vô tình trở thành nơi mà con người ta nghiễm nhiên đặt quyền tự do ngôn luận của mình lên vị trí tối cao. Và khi ranh giới giữa tự do ngôn luận và việc phát ngôn tùy tiện trở nên mờ nhòe sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Các thầy cô trong nhà trường luôn tạo cho các bạn học sinh rất nhiều cơ hội để có thể bày tỏ suy nghĩ, đóng góp, ý kiến của mình. Bởi vậy, thay vì đem tất cả những bức xúc của cá nhân mình vào những dòng trạng thái vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội, nếu bạn có bất kì ý kiến hay đóng góp gì với nhà trường, hãy mạnh dạn bày tỏ với các thầy cô giáo chịu trách nhiệm trong lĩnh vực đó. Các thầy cô sẽ luôn sẵn lòng giúp bạn giải đáp những thắc mắc và thậm chí hiện thực hóa những giải pháp mà bạn đề đạt. Mạng xã hội mở ra một thế giới ảo nhưng để lại hậu quả thật. Bạn luôn phải chịu trách nhiệm với bất cứ một lời bình luận hay động thái nào của mình trên mạng xã hội. Vì vậy trước khi hành động hãy cân nhắc và suy xét một cách kĩ lưỡng. Đừng để những phát ngôn của mình ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của bất kì một cá nhân hay tập thể nào khác.      

            Thứ tư là vấn đề văn hóa giao thông.

            Chấp hành luật pháp luôn là những bài học quan trọng mà các học sinh được học trong những giờ học trên lớp, trong các hoạt động đoàn thể của nhà trường. Tuy nhiên vẫn còn một số các bạn học sinh còn chưa nghiêm túc trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Trước khi nhìn nhận pháp luật như là một công cụ để giữ gìn trật tự xã hội hãy coi trọng luật pháp như một cách để bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh.

Ở đây tôi đề cập đến văn hóa giao thông như một khía cạnh nhỏ tiêu biểu cho văn hóa ứng xử ngoài đời sống xã hội. Nhìn chung, không chỉ trong nhà trường mà khi bước chân ra ngoài xã hội, mỗi học sinh cũng phải biết cách để ứng xử với mọi người, ứng xử trước các tình huống đời sống một cách thông minh, khéo léo, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.

Trường THPT Núi Thành là môi trường tốt để mỗi đoàn viên vừa có thể tích lũy tri thức vừa có thể trau dồi, rèn luyện đạo đức. Học cách để trưởng thành cũng chính là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mình là ai, mình nên làm gì, mình phải làm thế nào để trở thành người tốt, có đức, có tài, có ích cho xã hội. Là học sinh của ngôi trường có bề dày thành tích như Trường THPT Núi Thành, hãy sống để quan tâm, để sẻ chia, để học hỏi, luôn có ý thức trau dồi phấn đấu vươn lên cả trong học tập lẫn trong quá trình hoàn thiện đạo đức nhân cách.

            Vấn đề nâng cao ý thức trong rèn luyện đạo đức cũng đi kèm với việc thực hiện nội quy nhà trường của đoàn viên thanh niên.

Mỗi người học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường đều có nhiệm vụ rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi, phát triển con người một cách toàn diện. Tuy nhiên việc thực hiện nề nếp trong môi trường giáo dục vẫn còn có những vấn đề đáng phải quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây, không chỉ riêng ở trường ta mà còn ở nhiều nơi khác. 

Vậy nguyên nhân do đâu? Theo cá nhân tôi có những nguyên nhân cơ bản sau:

            + Về phía gia đình phụ huynh học sinh: Họ coi nhà trường là nơi có thể gửi gắm hoàn toàn việc hình thành nhân cách cho con cái họ trong khi lại không hề biết rằng thời gian con em mình ở nhà mới là nhiều nhất. 

            + Về phía học sinh: Do tuổi còn rất trẻ nên có những suy nghĩ bồng bột, ham chơi, ham vui, lại không được sự uốn nắn chỉ bảo kịp thời của người lớn lên đã có những hành vi thiếu suy nghĩ dẫn đến những cư xử lệch lạc về nhân cách, đôi khi trở thành những mối nguy làm thiệt hại cả tài sản thậm chí là tính mạng của bản thân và của người khác.

        Trên đây là một số nguyên nhân theo suy nghĩ của riêng tôi khiến cho việc thực hiện nề nếp của đoàn viên thanh niên học sinh trong nhà trường luôn là vấn đề nan giải. Để khắc phục những nguyên nhân đó tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:

+ Gia đình các bạn hãy bớt chút thời gian dành cho sự quan tâm đối với con cái mình trong học tập, trong vui chơi, thậm chí trong những nhu cầu đòi hỏi chính đáng. Hãy biết lắng nghe và tìm hiểu những điều con em mình đang nói, thậm chí là đòi hỏi hay đề nghị.

+ Về phía học sinh, các bạn có biết, không mấy bạn đến lớp lại không muốn mình là những con ngoan trò giỏi, sau này là những công dân có ích cho xã hội. Vì thế, việc có một số bạn học sinh còn mắc những khuyết điểm về nề nếp chẳng qua chỉ là vấn đề về thời gian.

          Mong các thầy cô, các bậc phụ huynh hãy cho các em cơ hội, thời gian, và quan trọng hơn cả là những tấm lòng yêu thương thực sự, với tinh thần cầu tiến, tôi thiết nghĩ một ngày nào đó vấn đề THỰC HIỆN NỀ NẾP CỦA ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN HỌC SINH TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔTHÔNG sẽ trở nên tốt đẹp hơn. 

            Trên đây là một vài ý kiến của tôi về vấn đề rèn luyện đạo đức và thực hiện nội quy của đoàn viên thanh niên trong nhà trường, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn./.

                                                                         Trương Thiện Tiên - Chi đoàn 11/2.

            


Tin mới hơn: