MẢNH HOÀI NIỆM CHUYẾN ĐÒ XƯA

MẢNH HOÀI NIỆM CHUYẾN ĐÒ XƯA 

Đinh Mỹ Duyên - CHS khóa 2007-2010

thanh hân lớp 12 04 ảnh 01

Lời tự đáy lòng lúc nào cũng khó nói, xin mạo muội gói những tri ân vào lời thơ để gửi đến thầy cô trường THPT Núi Thành nhân dịp 20/11: 

Tết thầy đâu chỉ Mùng Ba
20/11 cũng là tri ân
Sau này của mỗi chúng ta
Hãy luôn ghi nhớ công ơn cô thầy

Có một điều hiển nhiên là số lượng thầy cô ghé ngang qua đời mỗi người sẽ luôn ít hơn số lượng những học trò nhỏ lướt ngang qua đời thầy cô. Nhưng lạ lắm thay, thầy cô gặp lại cũng sẽ nhớ mấy cô cậu học trò nhỏ hoặc không còn nhỏ đó, bằng không chí ít thầy cô sẽ dần nhớ ra qua lời kể của một học trò khác. Vậy thì lý nào học trò lại không nhớ về thầy cô nhỉ! Theo tôi, chúng ta ai ai cũng sẽ nhớ hoặc nên nhớ ít nhất 12 -14 người thầy cô trong cuộc đời mình. Đó chỉ là số lượng giáo viên chủ nhiệm của những năm tháng cắp sách đến trường, chưa kể đến giáo viên phụ trách môn học mình yêu thích nhất và mình không yêu thích nhất (nếu không muốn nói là ghét nhất… hì hì), và càng không thể không kể đến giáo viên đặc biệt dành tình cảm cho lớp mình dù không phải là giáo viên chủ nhiệm. 

 

Tôi không phải là một ngoại lệ mà còn là một sự không ngoại lệ với nhiều may mắn. Dù là giáo viên chủ nhiệm hay là giáo viên bộ môn thì tôi luôn cảm thấy mình toàn gặp thầy cô tốt, bao gồm cả thầy giám thị dù đã có lần tôi và một vài học sinh khác bị phạt đứng xếp hàng ở trụ cờ chờ hết giờ truy bài mới được vào lớp vì cái tội đi trễ. Tôi nhớ về nhiều thầy cô lắm, nhưng tôi xin phép chia sẻ về cô chủ nhiệm và một người thầy dành tình cảm đặc biệt cho lớp tôi. 

Người giáo viên chủ nhiệm tôi muốn kể là cô Oanh (chủ nhiệm C9 khóa 2007 – 2010) kiêm phụ trách môn văn của lớp tôi trong những năm lớp 11, 12. Thời điểm đó còn học phân ban/ khối, từ C8 đến C10 thuộc khối D, nói đến thì ai cũng biết mấy lớp này toàn là con gái thôi. Như lớp tôi tỉ lệ là 42 nữ/ 7 nam (chưa đủ một đội bóng), lớp tôi lúc đó hay trêu nhau là “42 nàng bạch tuyết và 7 chú lùn”. Nhìn chung, lớp tôi khá ngoan ngoại trừ những lúc không ngoan. Ngoài việc giảng dạy, Cô cũng đã vất vả suốt 2 năm trời với chúng tôi từ văn nghệ, cắm trại, và đi ngoại khóa (là đi chơi đó). Cho đến bây giờ, cô vẫn luôn khen lớp tôi không những ngoan, học giỏi mà còn xinh đẹp và trẻ miết nữa. Tôi nghĩ bụng, không lẽ cô đã quên lỗi lầm tôi chồng chất trong sổ đầu bài và cả tổn thương tôi đã gây ra trong lòng cô vào những tháng ngày cuối cấp??? Những sai lầm đó sẽ chẳng là gì nếu tôi là một học sinh cá biệt. Ngẫm lại, đó không phải là sự lãng quên mà là sự tha thứ khiến tôi đây sẽ mãi trân trọng. Sự tha thứ của cô là việc tôi được thi tốt nghiệp như bao bạn đồng trang lứa khác, sự tha thứ cho tôi một bài học rằng sẽ thật may mắn nếu mình là người đi XIN lại được những LỖI lầm mà mình gây nên. Một cái vòng tay “em xin lỗi cô” chắc là quá hời cho một bài học cuộc đời!
Những dịp Tết gần đây, tôi cùng vài người bạn đều cố gắng ghé thăm cô; cô trò chúng tôi gặp nhau, hỏi thăm nhau, trò chuyện với nhau như những người bạn “Diên ăn cái này đi Diên, cô làm đó”, “Diên ăn lá rừng được hả, để cô kêu thầy (chồng của cô) ra sau hái thêm vào ăn hỉ?”, “mai lớp mình hẹn cà phê tiếp hỉ mấy em?”, … Nghe thật là ganh tị với cô trò nhà người ta quá đi!

Về người giáo viên dành tình cảm đặc biệt cho lớp mà tôi muốn nhắc đến, đó là thầy Triều; và dĩ nhiên lớp tôi cũng dành tình cảm rất đặc biệt cho thầy. Thầy phụ trách môn thể dục, môn học mà sẽ rất là mệt mỏi cho các thầy khi lớp toàn con gái bánh bèo. Nhưng may thay, con gái lớp tôi không hề bánh bèo, chúng tôi quậy phá và cứ hay chọc mấy thầy thôi. Lớp người ta thì nữ sinh thanh lịch, còn lớp tôi thì thích tinh nghịch hơn. Vậy mà thầy thương lớp tôi lắm, cứ như cha đỡ đầu của lũ trẻ nhỏ tựa bao giờ. Tôi tin rằng, tôi và cả các bạn của tôi nữa vẫn còn nhớ tiết học thể dục cuối cùng, thầy trò chúng tôi chụp không biết bao nhiêu là hình kỷ niệm và còn rủ nhau nghêu ngao ca hát nữa. Thầy cũng là người làm thay đổi cách nhìn nhận của chúng tôi về giáo viên thể dục bằng sự nhẹ nhàng, dịu dàng và điềm đạm hết mực, đây cũng là tính cách mà tôi học hỏi rất nhiều từ thầy. Thầy cũng rất chú trọng sự kết nối, lúc nào gặp tôi thầy cũng sẽ hỏi thăm về những bạn khác “còn bé Thanh dạo này sao rồi D? Bé Linh thì làm công an, rồi thằng Hưng nữa? Bé Sen giờ nó làm đâu sao thầy không biết ta? D có giữ liên lạc với nhiều bạn không D? Thầy muốn lớp mình có 1 ban liên lạc để cập nhật tình hình của mấy đứa quá”. Sự hổ thẹn sẽ vương vấn trong tôi mỗi lần thầy hỏi về một bạn nào đó mà tôi không biết bạn hiện “ra sao, làm gì, ở đâu?” vì vốn đã không còn liên lạc. Và từ đó, thầy dạy tôi phải luôn tự nhủ rằng hãy cố gắng dành thời gian liên lạc, hỏi thăm và gặp gỡ những người bạn cũ nếu có thể. 

Tôi còn hâm mộ 3 giáo viên dạy Anh văn là cô Trang, cô Phượng và cô Luyến. Tôi đã từng ước tôi xinh đẹp, tự tin và nói chuyện lưu loát như cô Trang, nhỏ nhẹ hiền từ như cô Phượng, phát âm chuẩn và duyên dáng như cô Luyến. Đây là 3 giáo viên phụ trách môn học mà tôi yêu thích nhất.

Tôi thích cô Hoa dạy Hóa nữa, cô là giáo viên dạy Hóa trên lớp mà tôi thấy dễ hiểu nhất. Môn Hóa là môn yêu thích thứ nhì của tôi và may mắn là tôi gặp được cô Hoa để duy trì niềm yêu thích và học say sưa bộ môn này dù nó chẳng liên quan gì trong cái Khối D tôi chọn.

Cùng với cô Oanh, cô Hạnh tổ trưởng bộ môn Văn cũng là giáo viên hay comment vào những bài viết nhăng cuội của tôi trên Facebook. Cô là giáo viên duy nhất mà tôi biết dạy Văn bằng công thức toán học. Cô gần gũi, chất phát, bình dị và dí dỏm lắm. Và có lẽ không giáo viên nào mỗi lần thấy Má tôi là í ới “Dung Dung, bé Diên ở trong SG sao rồi Dung?” Dung là Má tôi, Má hay kể “cô Hạnh gặp Má là kêu lại hỏi thăm con miết luôn, đợt rồi về không thăm cô hả?” Thầy cô nào có trách chúng ta điều đó, nhưng đừng vì vậy mà không về thăm thầy cô nhé, chúng ta ơi!

Tôi còn thích giờ Sử của cô Thu và thầy Tú (chồng cô Phượng), bằng năng lực đặc biệt nào đó mà thầy cô dạy trên lớp 1 lượt là tôi nhớ bài luôn. Thầy cô làm tôi thấy môn Sử cũng không đến nỗi khó nuốt, đã vậy tôi còn thấy hào hứng khi bản thân bất giác nhớ được mốc thời gian và sự kiện.
Môn học mà tôi sợ đến phát ghét là môn Toán nhưng tôi luôn dành sự khâm phục to lớn dành cho các giáo viên dạy Toán lớp tôi: Cô Dương, cô Tư, cô Hoa. Tôi học môn này dỡ tệ, và tôi cũng không thích nên tôi chẳng mấy cố gắng. Tôi chỉ muốn nói rằng, các cô đã rất vất vả, cảm ơn các cô! 

Bạn bè có đôi ba lần hỏi rằng sao tôi không chọn theo nghề giáo, tôi luôn nghiêm nghị trả lời “Làm giáo viên đâu có dễ, nghề đó cao cả lắm, đâu phải ai cũng làm được”. Hiện tại, bằng một mối nhân duyên nào đấy, tôi đã làm việc trong ngành giáo dục được 7 năm. Tuy không đảm đương vị trí giảng dạy nhưng tôi cũng phần nào hiểu được trọng trách lớn lao của ngành Giáo Dục đối với cuộc sống con người, và quan điểm của tôi vẫn không hề thay đổi, rằng “Nghề giáo cao cả lắm, đâu phải ai cũng làm được”.

 

Học trò chúng ta, cứ tốt nghiệp cấp Ba xong là thể nào cũng mỗi người một nơi, vươn đi tìm chí hướng, nhường lại thầy cô và mái trường cho những thế hệ kế tiếp. Và chúng ta nào biết thầy cô và mái trường luôn đợi chúng ta trở về chỉ để...thăm! kể Chúng ta ơi, hãy cố gắng một lần về thăm lại thầy cô và mái trường để thấy được vẻ vui mừng rạng rỡ trên gương mặt của từng thầy cô và biết đâu đó sẽ làm động lực để việc về thăm thầy cô trở thành sự kiện thường niên trong cuộc đời mình. Tôi cũng đã thực hiện được điều này trong những năm gần đây, và lòng vui khó tả khi gặp lại, thầy cô vẫn ở đó, vẫn trẻ và khỏe.

Đọc thôi thì suông lắm, chi bằng Tết này các NuiThanh-ers hãy sắp xếp ghé thăm thầy cô để cảm nhận niềm vui khó tả ấy nhé! À, tranh thủ thăm cả mái trường nhân lúc trường vẫn còn ở đó. 

Mái trường vẫn điềm nhiên đón đợi, chúng ta chỉ cẩn trở về!


 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: