Những thủ khoa chân đất (Lương Thị Hồng Hạnh)

Năm học 2013 - 2014, Trường THPT Núi Thành (huyện Núi Thành) được nhiều người biết đến khi có hai học sinh đỗ thủ khoa đại học, và trước đó là trường có học sinh đoạt vị trí thủ khoa tốt nghiệp THPT tỉnh. Điều đáng nói, cả ba thủ khoa này đều xuất thân trong gia đình nông dân, công nhân bình thường.
Lê Tấn Thiện: Theo đuổi niềm đam mê
Lê Tấn Thiện là con trai thứ hai trong gia đình có hai anh em, bố là công nhân, mẹ làm nông, ở tại thôn Vân Thạnh, xã Tam Hiệp. Dù cuộc sống gia đình khó khăn nhưng bố mẹ Thiện quyết tâm bằng mọi giá cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều lúc, chẳng biết xoay xở vào đâu để lo cho hai con ăn học, mẹ Thiện nhiều đêm thở dài, còn bố nhận tăng ca kiếm thêm chút đỉnh. Vùng đất Kinh tế mở Chu Lai ngày càng sôi động khiến anh em Thiện càng quyết tâm thi đua học hành. Anh trai Lê Tấn Việt thi đỗ vào Trường Đại học Y dược Huế cũng là động lực để Thiện chăm chỉ học hành và theo đuổi niềm đam mê đối với công nghệ thông tin.
Ngay từ những năm THCS, Thiện đã "rinh" về giải nhất và nhì trong các cuộc thi tin học trẻ huyện Núi Thành. Lên THPT, Thiện chọn thi vào lớp 10 Trường THPT Núi Thành mà không thi vào các Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) hay Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) bởi xa gia đình không thể giúp đỡ bố mẹ, chăm lo cho bà nội. Hơn nữa, Thiện nghĩ Trường THPT Núi Thành cũng là ngôi trường có bề dày thành tích, thầy cô giáo tận tình, hiểu tâm tư và nắm rõ khó khăn của con em địa phương. Kỳ thi đại học năm 2014, Thiện đỗ hai Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Đà Nẵng với điểm số rất thuyết phục và trở thành thủ khoa khối A của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với 27 điểm, được chọn là sinh viên của lớp chất lượng cao Việt - Pháp. Ước mơ sau này của Thiện là trở thành một kỹ sư tin học giỏi, viết được nhiều phần mềm có ích và ước vọng "tiêu diệt" những phần tử phá hoại an ninh mạng.
Huỳnh Văn Khôi: Xứng đáng với sự tin yêu
Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo ở thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, Huỳnh Văn Khôi cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ, cùng với sự yêu thương chia sẻ của sáu anh chị, nên chăm chỉ học tập với quyết tâm phải thoát khỏi cuộc sống cơ cực bằng con đường tri thức. Đó cũng là cách Khôi báo hiếu cha mẹ. Từ khi cắp sách đến trường, Khôi đã mang về cho gia đình đầy những giấy khen theo từng năm học dán trên tường nhà cũ kỹ. Ngoài ra, năm lớp 9 Khôi đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn; Khôi cũng đã đem về cho Trường THPT Núi Thành giải Ba môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hai năm liền khối 11 và 12. Khôi còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và mang về cho trường giải Khuyến khích cuộc thi "Thuyết trình văn học cấp tỉnh" và "Hùng biện câu chuyện đạo đức và pháp luật của tỉnh Quảng Nam" tổ chức năm 2014.
Dù học ban A nhưng Khôi học đều các môn; nhất là đam mê các môn xã hội. Năm lớp 12, gần như Khôi chuyển sang học khối C, mặc cho thầy cô, bạn bè "nói ngã nói nghiêng". Do bài vở nhiều, tự học là chính, ăn uống thiếu thốn, Khôi gần như kiệt sức vì hàng ngày đạp xe đi học hơn 10km và rồi còn phải phụ giúp bố mẹ. Kết quả năm học cuối cấp THPT Khôi không đạt danh hiệu học sinh giỏi (học sinh tiên tiến). Khôi buồn lắm vì sợ bố mẹ, anh chị thất vọng về mình.
Tuyển sinh đại học, một số thầy cô khuyên thi vào ngành Luật hoặc Báo chí, Khôi vẫn chọn ngành Sư phạm Ngữ văn. Khôi chia sẻ rằng, sự cao quý, giàu sang không thuộc về nghề mà chính là ở con người. Điều này, Khôi học được từ những người thầy người cô đã dìu dắt mình, từ cuộc sống bố mẹ, anh chị... Với sự nỗ lực của bản thân, Khôi đã đỗ thủ khoa Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế với số điểm 26 (Sử: 9,25; Địa: 9,5; Văn: 7). Khôi còn được ra Hà Nội nhận giải thưởng "Hoa trạng nguyên năm 2014". Đến thăm Văn miếu Quốc tử giám, Khôi tự nhủ "phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng thầy cô, bạn bè ở Trường THPT Núi Thành và sự kỳ vọng của bố mẹ, niềm tin của thầy cô Trường Đại học Sư phạm Huế".
Phạm Thị Quỳnh Giao: Bản lĩnh & khát vọng
Cùng hoàn cảnh như Lê Tấn Thiện, nhưng Phạm Thị Quỳnh Giao là con cả trong gia đình có bốn người con. Để làm gương cho các em, Giao chăm chỉ học hành và mang về thành tích đáng nể với 12 năm là học sinh giỏi toàn diện. Từ những năm tiểu học, Giao đã được thầy cô xã Tam Quang chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Ở bậc THCS, hai năm liền của khối lớp 8 và 9, Giao đoạt giải Nhì môn Tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Lên THPT, Giao cũng chọn thi tuyển vào Trường THPT Núi Thành với suy nghĩ: "Từ mái trường này, đã có những bác, những anh, những chị thành danh. Họ đã sống và làm việc khắp đất nước và cả ở hải ngoại". Suốt 3 năm THPT, Giao luôn được thầy cô, bạn bè tin tưởng vào tài năng và trí tuệ của cô học trò bản lĩnh ở xứ biển Rạng đầy nắng và gió. Bỏ qua cách nghĩ phải học lệch để có thời gian đầu tư vào việc luyện thi đại học, Giao học đều tất cả các môn. Điều đó đã giúp cô nữ sinh Phạm Thị Quỳnh Giao giành ngôi thủ khoa tốt nghiệp THPT năm 2014 của tỉnh Quảng Nam với số điểm 38,5 (4 môn thi).
Trong kỳ thi đại học năm 2014, Giao trúng tuyển vào hai trường đại học ở Đà Nẵng với số điểm khá cao (23 điểm khối A1 Trường Đại học Kinh tế và 32 điểm khối D1 Trường Đại học Ngoại ngữ). Giao hiện là sinh viên Khoa Luật kinh tế Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Giao mong muốn học thật tốt và tham gia công tác xã hội, sau này trở thành một phụ nữ thành đạt, có nghề nghiệp, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em học hành nên người.
Cả ba thủ khoa chân đất của Trường THPT Núi Thành năm 2014 đều có ước mơ thật đẹp. Cuộc sống không đủ đầy như các bạn cùng trang lứa nhưng khát vọng tuổi trẻ thì mãnh liệt. "Giải thưởng Võ Chí Công" huyện Núi thành trao cho là sự tưởng thưởng xứng đáng, khích lệ tinh thần hiếu học của con em quê hương.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: