AI ĐƯA TÔI SANG SÔNG

AI ĐƯA TÔI SANG SÔNG

                        Hà My ( Cựu học sinh niên khoá 2009 - 2011)

nld2

     Nếu đã từng đọc cuốn sách “Totto chan - cô bé Bên cửa sổ” bạn sẽ phải ganh tị với cô bé và ước mơ có một thầy hiệu trưởng luôn tôn trọng học trò. Thầy đã dành nhiều giờ đồng hồ chỉ để lắng nghe cô bé kể chuyện cũng như luôn khen ngợi em: “Tôt- tô- chan - em là cô bé ngoan”. Tôi nghĩ rằng ai cũng giống Tôt-tô-chan, khi được nghe câu nói này sẽ thật là tự tin, và sẽ tự biến mình thành một đứa trẻ ngoan mà chẳng cần ai phải rèn giũa hay quát tháo.

     Tôi cũng đã có những người thầy như Tôt - tô chan, những người đã gieo trong tôi những ước mơ, cho tôi sự tự tin và nghị lực vượt qua “hoàn cảnh” để vươn mình ra thế giới.

Mẹ qua đời năm tôi 15 tuổi. Mẹ ra đi, lấy đi cả sự tự tin và cả ước mơ vào Đại học. Tôi đã sống khép mình suốt một năm lớp 10, một đứa học sinh bình thường không thể bình thường hơn, và có lẽ, nếu không có gì xảy ra, thì 3 năm phổ thông chắc chẳng mấy người biết đến sự tồn tại của tôi ngày đó. Tôi đã từng không đi học thêm như bạn bè vì sợ tốn tiền. Tôi đã từng mặc cảm nhiều. Tôi luôn cảm ơn những “người thầy” đã trao cho tôi cơ hội và chìa khoá giúp tôi mở những cánh cửa cuộc đời.

   Người thứ nhất, người như cha - Thầy Nguyễn Tấn Triều, là giáo viên bộ môn thể dục lớp 11 của tôi. Các giờ thể dục thường chúng tôi không hứng thú lắm, nhưng giờ của thầy lúc nào cũng vui và được học thêm điều gì đó qua các câu chuyện thầy kể. Tôi vẫn còn nhớ khi chuông báo hết giờ, bọn học trò còn xin thầy thêm thời gian vì chưa muốn kết thúc.

Thầy hiền lắm, tôi chưa bao giờ thấy thầy giận dữ ai trong lớp, dù bọn học trò chúng tôi cũng nghịch ngợm. Lớp tôi có cậu bạn “cá biệt” chuyên “cúp” giờ chơi game, nhưng chẳng khi nào “cúp” học giờ thầy cả. Là lớp trưởng, tôi nói với cậu bạn mình:

- Ê Hùng ( tên nhân vật xin được thay đổi), nếu ngày nào mày cũng đi học chăm chỉ như vậy thì chẳng phải tốt hơn sao?

- Bạn mình trả lời: “Ngu gì đi học để nghe chửi.” Rồi cười khì khì bỏ đi.

     Những giờ học thể dục - quốc phòng tuy khô khan nhưng thầy đã truyền cho chúng tôi cảm hứng bằng cách đặc biệt nào đó. Và với cậu bạn đặc biệt của tôi, luôn tìm thấy được sự tôn trọng bởi người thầy đáng kính mà chẳng bao giờ bỏ học dù môn thể dục bị nhận định chỉ là môn phụ (1) mà thôi.

         Muốn học trò tham gia hoạt động thể dục thể chất nhiều hơn, thầy đã lập câu lạc bộ bóng chuyền và dạy cho chúng tôi miễn phí mỗi sáng thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Và một lần nữa, cậu bạn lười học của tôi cũng tham gia câu lạc bộ này trái ngược với dự đoán của tôi. Ngày đó sức khỏe của thầy không tốt vì bị viêm xoang. Có lần tôi đã khóc vì hôm ấy trời mưa lạnh, đến trường lúc 5 giờ 30 sáng, chỉ có tôi và một bạn khác nữa, thầy bảo: “Chắc hôm nay lạnh nên mấy đứa ngủ quên rồi, nhưng không sao dù có 1 đứa thầy vẫn dạy.” Tôi luôn nhớ câu nói đó của thầy và luôn mang cho mình ý niệm: “Dù thế nào vẫn không bỏ cuộc”.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của thầy, tôi đã được vợ thầy - cô Dung dạy thêm môn tiếng anh miễn phí, dù 3 năm cấp 3 tôi chưa từng được cô dạy chính thức một lần ở lớp. Tiếng anh của tôi năm cấp 3 dở tệ. Tôi chưa một lần tự phát biểu trả lời câu hỏi, nhưng mỗi lần được mời lên trả bài, cô đều khen tôi: “Em có chất giọng tốt quá, Em phát âm chuẩn lắm…” Cũng vì sự khích lệ đó, cô đã gợi mở cho tôi một con đường thân thiện hơn với môn tiếng anh. Để giờ đây tôi có thể sử dụng nó để sống, học tập nơi xứ người, và đang trong hành trình chinh phục ngôn ngữ thứ 3. Biết thêm một ngôn ngữ là biết thêm nền văn hoá, cảm ơn cô đã cho tôi sự khao khát được chinh phục văn hoá bằng thứ ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ.

Người thầy thứ 3, người tôi hàm ơn sâu sắc cũng như có ảnh hưởng phần nhiều về nhân sinh quan của tôi sau này, thầy dạy văn của tôi - Trần Văn Ngãi. Thầy không là giáo viên bộ môn văn của lớp tôi, có lẽ hữu duyên nên tôi may mắn được gặp thầy. “Văn chính là người - Chất văn là chất người” thầy đã nói với tôi như thế. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã từng có câu tương tự: Ngôn ngữ là cửa ngõ của văn hoá”. Thầy không dạy chúng tôi để trở thành nhà văn hay trở thành cây bút thực thụ, thầy dạy văn để chúng tôi học cách làm người…

     Nếu ai đó dạy bạn lần đầu tiên viết bảng chữ cái như thế nào, thì cũng như thầy đã dạy tôi cầm bút để bắt đầu hành trình giải phóng suy nghĩ của mình trên giấy, viết là cách giúp tôi trải lòng và thực hành chánh niệm. Thầy luôn khen về các bài văn tôi làm, dù chẳng bao giờ tôi được quá 8 điểm. Thầy cho rằng tôi có triển vọng và tiềm năng, ngọc không mài không thể thành ngọc quý…

Cho đến hôm nay, mỗi lần cầm bút, tôi thật sự biết ơn về những bài học vỡ lòng thầy trao để làm hành trang trong cuộc đời. Có lẽ thầy đã gói ghém” chút tự tin” cuối cùng còn sót lại của tôi trong chiếc túi “hành trang” đó.

Suốt hai năm học thêm nhà thầy, thầy đã không bao giờ cho tôi gửi tiền học phí. Dù cuộc sống của thầy lúc đó còn khó khăn vì mới lập gia đình, tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy vừa bế con giúp vợ vừa dạy học. Một hình ảnh khiến tôi cảm động và cũng là hình mẫu “ đức lang quân” mà tôi mơ ước sau này.

Ngoài ra, tôi cũng thành tâm gửi lời cảm ơn đến cô Chủ nhiệm Đoàn Thị Kim Oanh, thầy Võ Văn Dũng Phó Hiệu Trưởng dạy bộ môn toán, thầy Lương Quang Đại (bộ môn sinh), thầy Nguyễn Văn (bộ môn lịch sử), thầy Trịnh Thanh Nhàn (bộ môn Toán) , cô Phan Thị Đào (bộ môn Ngữ văn), cô Lương Thị Hồng Hạnh (bộ môn Ngữ văn), cô Lê Thị Cúc (bộ môn Vật Lý), thầy Võ Duy Lâm (Môn hóa học) … đã giúp đỡ đồng hành cùng chúng tôi suốt 3 năm cấp 3 đầy khó khăn và thách thức. Ngày đó tôi cứ nghĩ học cấp 3 là khó nhất, qua được rồi đời sẽ dễ dàng hơn. Nhưng rồi càng trải nghiệm cuộc sống sau này, tôi càng trân trọng lẫn tiếc nuối thời gian “cấp 3” tươi đẹp đó. Tôi đã từng khủng hoảng bởi chương trình Đại Học, thất vọng và khao khát có lại những người thầy cô yêu thương mình như khi học cấp 3, và cả những vất vả, khó khăn ở cuộc sống sau này…

Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ nhiều cựu học sinh khác cũng có những kí ức “ không thể phôi phai” khi nghĩ về khoảng thời gian trung học.

Hy vọng những em học sinh hiện tại có thể trân trọng thời gian này hơn, khi tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, một lần đi là mãi mãi chẳng thể quay về…

Cảm ơn những “người lái đò” đã đưa tôi sang sông. Cảm ơn thầy cô đã đẩy thuyền và đưa tôi ra khỏi luỹ tre làng chật hẹp. Mùa hiến chương năm nay, không mong gì hơn ngoài sự cầu chúc cho quý thầy cô bình an và hạnh phúc vượt qua đại dịch.

Một lần nữa, gửi đến tất cả quý thầy cô lời chúc an lành và hân hoan trong ngày vinh danh nghề giáo.

   Trân quý và biết ơn sâu sắc.

       Chú thích (1): Tại Nhật Bản bộ môn giáo dục thể chất là một trong những bộ môn quan trọng tương đương với các bộ môn thuộc về trí tuệ. Giáo dục thể chất đã làm nên sức mạnh và tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Học sinh Nhật Bản từ mầm non đến trung học phổ thông đều có các hoạt động thể chất, tham gia các câu lạc bộ bóng hàng ngày.


Tin mới hơn: